Hướng đến mục tiêu tinh gọn, hiệu quả và gần dân, Thành phố mới đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo nhanh chóng và minh bạch. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng tích cực thích nghi với mô hình mới, không ngừng cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, thân thiện và sát dân.
Bài 1: Mạnh mẽ tinh thần cải cách hành chính công
Không chỉ thay đổi về mặt tổ chức, mô hình chính quyền mới còn gắn liền với nỗ lực số hóa để tăng cường tương tác, giúp chính quyền thực sự gần gũi, đồng hành cùng người dân trong mọi hoạt động thường nhật.
Cải cách bộ máy, phục vụ tận nơi
Ghi nhận tại phường Hòa Hưng, phường Tân Bình, phường Vũng Tàu, phường Bình Dương…, bộ máy hành chính mới đã nhanh chóng thích nghi và đi vào vận hành ổn định.
Tại phường Hòa Hưng, bà Lê Thị Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường, cho biết, trong 4 ngày đầu triển khai mô hình chính quyền hai cấp, phường đã tiếp nhận 310 hồ sơ của người dân và giải quyết đúng hạn 100%.
“Dù khối lượng công việc tăng do nhiều nhiệm vụ được chuyển từ cấp quận về phường, nhưng nhờ được tập huấn kỹ lưỡng và chuẩn bị trước, cán bộ phường đã nhanh chóng bắt nhịp và vận hành hiệu quả”, bà Hiền chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là cơ sở hạ tầng. Nhiều trụ sở phường được cải tạo từ công trình cũ, thiết kế không phù hợp với công năng hành chính, nên chật hẹp, thiếu tiện nghi. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ số chưa đồng bộ cũng gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình xử lý hồ sơ trực tuyến.
Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công của phường Tân Bình.Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy phường Tân Bình, sau một tuần triển khai mô hình chính quyền hai cấp, sự thay đổi không chỉ dừng ở bộ máy tổ chức, mà còn thể hiện rõ trong tinh thần phục vụ người dân. Phường đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ. Tại trụ sở, hệ thống bảng hướng dẫn được bố trí rõ ràng, cùng đội ngũ cán bộ tận tình đã giúp người dân yên tâm hơn khi tiếp cận hệ thống hành chính mới.
Tại phường Vũng Tàu, đơn vị hành chính thuộc TP Hồ Chí Minh mới sau khi sáp nhập từ ngày 1/7, đại diện UBND phường cho biết, sau một tuần vận hành, bộ máy đã nhanh chóng ổn định, cán bộ nắm bắt tốt nhiệm vụ mới và tinh thần phục vụ được nâng cao rõ rệt. Người dân khi đến làm thủ tục hành chính không còn phải di chuyển xa như trước, nẻn đánh giá rất tích cực. Với một số bất cập nhỏ về hạ tầng, phường đang chủ động khắc phục, đảm bảo phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, kể từ khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp, Thành phố không chỉ tinh gọn bộ máy hành chính, mà còn xác lập rõ ràng thẩm quyền xử lý giữa các cấp. Theo đó, những thủ tục hành chính chuyên ngành sẽ do các sở, ngành cấp Thành phố đảm nhiệm; còn các thủ tục phổ thông gắn với đời sống hằng ngày như đăng ký khai sinh, chứng thực hay kiến nghị sửa chữa hạ tầng... sẽ do phường, xã tiếp nhận và giải quyết.
Đội ngũ công chức Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Bình, nỗ lực phục vụ nhân dân.“Mỗi địa phương vừa là cánh tay nối dài của Thành phố, vừa có thực quyền và trách nhiệm cụ thể trong việc phục vụ người dân”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, thống kê sau một tuần triển khai cho thấy mô hình chính quyền hai cấp đang dần đi vào thực tế. Dù vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là việc đồng bộ dữ liệu và nâng cấp hạ tầng công nghệ, nhưng tinh thần cải cách hành chính công đang diễn ra mạnh mẽ. Sự chủ động của đội ngũ cán bộ và chính quyền địa phương là yếu tố tạo nên kỳ vọng về một nền hành chính thật sự gần dân, phục vụ dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết thêm, trong thời gian tới, Thành phố sẽ khẩn trương rà soát và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ tại cấp phường, xã nhằm bảo đảm điều kiện phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Đây là bước đi thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính “gần dân, sát dân và hiệu quả hơn”. Theo bà Thắm, hiện nay, cấp xã, bao gồm phường, xã, thị trấn, đã trở thành tuyến đầu trực tiếp tổ chức và thực hiện phần lớn các nhiệm vụ gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân.
Phường Thủ Đức ứng dụng robot trong thực hiện các thủ tục hành chính công. (Ảnh: Báo Tin tức và Dân tộc)Tăng tốc ứng dụng công nghệ số
Một điểm sáng trong mô hình chính quyền mới tại TP Hồ Chí Minh là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phục vụ người dân. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang triển khai đồng bộ bốn hệ thống nền tảng dành cho cán bộ công vụ, gồm: Quản lý điều hành điện tử, giải quyết thủ tục hành chính, hội nghị trực tuyến và đặc biệt là Tổng đài 1022 - kênh tương tác hai chiều giữa người dân với chính quyền.
Bên cạnh đó, các ứng dụng như “Công dân số TP Hồ Chí Minh” và Cổng 1022 cũng phát huy hiệu quả, cho phép người dân phản ánh, đánh giá mức độ hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính. Những dữ liệu này là căn cứ quan trọng để chính quyền kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ.
Thống kê đến ngày 4/7 cho thấy, toàn Thành phố đã xử lý hơn 60.000 hồ sơ hành chính, trong đó khoảng 1/3 được thực hiện trực tuyến. Con số này cho thấy người dân đang dần thích nghi với phương thức tương tác hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bộ máy hành chính công.
Không chỉ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, Tổng đài 1022 còn là kênh ghi nhận đa dạng phản ánh từ người dân như tình trạng tiếng ồn, rác thải, hay góp ý liên quan đến trụ sở mới. Nhiều phản ánh đã được xử lý trước thời hạn, cho thấy tính hiệu quả và phản ứng nhanh nhạy của chính quyền trong mô hình mới.
Song song với đó, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng mở rộng các kênh tiếp xúc cử tri như chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời”, nhằm tăng cường giám sát, kịp thời nắm bắt những tồn đọng và yêu cầu xử lý dứt điểm, triệt để.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Trung Trinh thừa nhận, không phải người dân nào cũng dễ dàng tiếp cận công nghệ. Đặc biệt, người lớn tuổi, hoặc những người chưa quen sử dụng thiết bị số, thường gặp khó khăn. Trước thực tế đó, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành như: Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, bố trí lực lượng hỗ trợ tại phường và tổ chức chương trình “Bình dân học vụ số” để hướng dẫn người dân từng bước làm quen với công nghệ số.
Các cán bộ công chức phường Bà Rịa sẵn sàng phục vụ hỗ trợ người dân triển khai các thủ tục hành chính công trên cổng dịch vụ công trực tuyến.Một bước tiến nổi bật khác là việc ứng dụng công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình hành chính tại các địa phương đông dân. Tại phường Thủ Đức, đơn vị mới thành lập từ việc sáp nhập năm phường cũ, ông Mai Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, địa phương đang thí điểm sử dụng robot nhận diện khuôn mặt và giọng nói để hướng dẫn người dân thực hiện một số thủ tục cơ bản như tra cứu hồ sơ, lấy số thứ tự.
Theo ông Quyết, đây mới chỉ là bước khởi đầu và kỳ vọng trong tương lai, robot sẽ hỗ trợ một phần công việc cho cán bộ, đặc biệt vào giờ cao điểm. “Công nghệ không thay thế con người, mà hỗ trợ để cán bộ tập trung hơn vào các khâu chuyên môn, xử lý những tình huống phức tạp”, ông nhấn mạnh.
Đối với công tác nhân sự, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, hiện nay 100% cán bộ cấp xã đều đạt chuẩn cấp huyện trở lên, một số còn từng công tác ở cấp tỉnh. Thành phố cũng đang áp dụng cơ chế thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98, tăng biên chế cho các phường đông dân và đầu tư thiết bị chuyển đổi số để giữ chân cán bộ giỏi làm việc lâu dài tại các địa phương.
Theo ông Vũ Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, chính quyền hai cấp đang tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính. Thành phố nên mạnh dạn áp dụng cơ chế đặc thù cho các phường quy mô lớn, đẩy mạnh đưa “nhân lực số” như AI, robot vào phục vụ hành chính, đồng thời tăng cường truyền thông để người dân dễ tiếp cận, sử dụng.
Với sự đồng bộ giữa công nghệ, con người, cơ chế, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang từng bước trở nên gần dân hơn, đúng như tinh thần mà mô hình này hướng tới.
* Bài cuối: Từng bước chuyển từ tư duy 'quản lý' sang 'phục vụ'