Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. (Website TU)- Như tin đã đưa, ngày 25-6, Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 16 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải. Sau khi nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện chỉ tiêu kinh tế 6 tháng cuối năm và ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã có bài phát biểu tổng kết hội nghị. Trong đó phân tích những mặt được, chưa được trong việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2009 và nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong 6 tháng còn lại.
Xu hướng suy giảm kinh tế đã được ngăn chặn
Phân tích những mặt được trong việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2009, Bí thư Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của TPHCM. Nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Thành ủy và những nỗ lực của UBND TP trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự năng động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và của nhân dân TP đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa trong 6 tháng đầu năm.
Bí thư Lê Thanh Hải chỉ rõ: Điều quan trọng nhất mà TPHCM đạt được trong 6 tháng vừa qua là ngăn chặn được sự suy giảm kinh tế. Nói cách khác, cơ thể kinh tế của TP đã có dấu hiệu hồi phục. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế đã tăng dần từ tháng 3 đến tháng 6. Nếu như quý I, GDP chỉ tăng 4% - một tỷ lệ có thể xem là đáy của suy giảm - thì sang quý II đã tăng lên 5,2%. Tương tự, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ: quý I tăng 5,4% thì quý II đã tăng 5,9%. Công nghiệp - xây dựng quý I chỉ tăng 1,9%, cuối quý II tăng 3,3%. Điều nổi bật là ngành xây dựng đã tăng 5,9% - cao hơn cả cùng kỳ năm 2008. Động thái này là kết quả tích cực của việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất và kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP đã vượt qua thời kỳ thiếu thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống và tiếp tục phát triển. Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu hồi phục.
TP đã tập trung và chủ động triển khai 5 nhóm giải pháp của Trung ương trên địa bàn, góp phần cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là áp dụng các biện pháp quyết liệt để ổn định thị trường khó khăn nhất trong quý I năm 2009. Tích cực triển khai nhanh chương trình kích cầu của Chính phủ, đồng thời ban hành quy định bổ sung điều chỉnh Chương trình kích cầu đầu tư của TP với mục tiêu chủ yếu là tái cấu trúc lại nền kinh tế và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của TP để vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa giải quyết vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang tính chất căn cơ lâu dài.
“Điều có ý nghĩa rất lớn là trong điều kiện tình hình kinh tế hết sức khó khăn, TPHCM vẫn xếp vị trí thứ 2 so với các địa phương khác trong cả nước về thu hút đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội mặc dù trong tình hình hết sức khó khăn nhưng vẫn tăng 16% (gần 38.000 tỷ đồng, tương đương 2,2 tỷ USD). Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư của TP đã tiếp tục được cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư trong nước đối với triển vọng phát triển TP tiếp tục được củng cố, đồng thời cũng cho thấy nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp” - Bí thư Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm bằng khoảng 1,5 lần so cả nước
Mặc dù kinh tế TP có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải phân tích: “Theo quy luật thông thường từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM luôn cao gấp từ 1,4 - 1,5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. 6 tháng đầu năm, GDP của TP đạt 4,6%. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, năm 2009, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 5%. Suy ra TPHCM phải có tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5%”. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, lĩnh vực công nghiệp chưa thể có mức tăng trưởng đột biến vì vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của thị trường xuất khẩu, do kinh tế thị trường phục hồi chậm. Như vậy, dư địa còn lại để TPHCM đột phá chính là thị trường trong nước với việc tập trung thúc đẩy 3 lĩnh vực chính là xây dựng, thương mại và dịch vụ. “Phấn đấu từ nay đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng ở những lĩnh vực này cao gấp 2 lần mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2009 bằng khoảng 1,5 lần so cả nước” - Bí thư Lê Thanh Hải nói.  |
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu tổng kết hội nghị. |
Bí thư Lê Thanh Hải cho rằng, đây là mục tiêu thực hiện rất khó khăn, nhưng nếu tập trung vẫn có thể thực hiện được. Khuynh hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đã được ngăn chặn, nhưng do mức độ tự phục hồi của thị trường còn rất chậm, nên cần có sự chủ động và tập trung thực hiện có hiệu quả của cấp ủy và chính quyền các cấp, đặc biệt là khu vực dịch vụ và thị trường trong nước.
“Mặc dù nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong thời gian tới là phấn đấu đẩy mức tăng trưởng nhanh hơn hiện nay nhưng vẫn phải thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dứt khoát không để xảy ra tình trạng tái nghèo. Cụ thể như tiếp tục triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho người nghèo, giảm, miễn học phí, giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề. Bên cạnh đó, phải mở rộng chính sách hỗ trợ đến các đối tượng ở ngưỡng cận nghèo, thực hiện nhanh các chương trình nhà ở cho công nhân, ký túc xá sinh viên, nhà tái định cư, giải quyết dứt điểm tình trạng tạm cư kéo dài và không để phát sinh mới” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải kết luận.
Thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng tiến độ các công trình Liên quan đến lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông và cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu cần tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời và đúng tiến độ các dự án, kể cả các dự án đã được phân cấp cho quận - huyện, chấm dứt tình trạng kéo dài tiến độ thi công. Những công trình nào có thể làm 3 ca, cần phải bàn với các đơn vị thi công triển khai thực hiện nhằm rút ngắn tiến độ. “Trong tình hình hiện nay, phải xem yếu tố thời gian có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các công trình xây dựng. Do đó, phải kiểm tra chế tài nghiêm các chủ đầu tư và đơn vị thi công cố tình dây dưa gây tắc nghẽn giao thông” - Bí thư Lê Thanh Hải chỉ đạo. Bên cạnh đó, Bí thư Lê Thanh Hải còn yêu cầu các ngành, các cấp tập trung cho công tác bồi thường giải tỏa, thu hồi đất các công trình trọng điểm, nhất là khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, tuyến metro Sài Gòn - Suối Tiên, mở rộng Xa lộ Hà Nội,…Nghiên cứu các chính sách giá đền bù nhằm bảo đảm quyền lợi hợp lý, chính đáng của người dân. |