Nhớ chú Linh!
Trong căn nhà ấm áp giữa lòng TPHCM, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM, cùng bà Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cẩn thận giữ gìn một món quà quý giá từ ngày cưới của hai vợ chồng năm 1973. Đó không phải là món quà đắt tiền, mà là một cây bút máy, được gửi từ chiến khu xa xôi cùng lời chúc mừng đong đầy tình cảm của người Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời ấy - ông Nguyễn Văn Linh.
“Chú Linh gửi quà cưới cho vợ chồng tôi, dù đang bận trăm công nghìn việc. Chú gửi cây viết, thứ quý giá lắm thời đó. Mỗi lần nhìn lại, chúng tôi lại nhớ chú Linh với tất cả sự kính trọng và tình cảm thân thương nhất”, bà Nghĩa xúc động nhớ lại.
Ông Phạm Chánh Trực đã có những ký ức sâu đậm gắn với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ thời kháng chiến cho đến những năm đầu sau ngày giải phóng. Nhắc đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông trầm ngâm một lúc lâu, với ông, hình ảnh chú Linh không chỉ là một nhà lãnh đạo kiên cường, mà còn là người thầy, người anh lớn đầy tình cảm và gần gũi trong suốt những năm tháng gian khó của cuộc kháng chiến và hành trình đổi mới đất nước.
“Chúng tôi từng là những người lính trẻ trong Khu đoàn, hoạt động bí mật trong lòng đô thị, nhiều lần thấy các đồng chí từ Trung ương Cục xuống làm việc, có cả chú Linh, nhưng vì mọi người đều ngồi ngăn cách trong ô ni lông của hội trường, nên tôi không nhớ được gặp mặt chú lần đầu từ lúc nào”, ông Trực kể lại.
Mãi đến sau Tết Mậu Thân 1968, khi chiến sự khốc liệt, buộc Thành ủy phải rút về biên giới Campuchia, Thành đoàn cũng chuyển căn cứ gần đó, ông mới “chính thức” được gặp chú Linh. Khi ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường xuyên xuống giảng bài, giảng nghị quyết cho các lớp huấn luyện chính trị của Thành đoàn. “Chú sống gần gũi, tình cảm lắm và chỉ đạo thực tế phong trào rất sâu sắc”, ông Trực nói.
Sau ngày đất nước thống nhất, cơ chế bao cấp lộ rõ những hạn chế, thì những quyết định vượt khỏi rào cản cơ chế cũ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và cứu đói cho dân, chính là những ngọn lửa đầu tiên nhóm lên tinh thần đổi mới. “Chính những hành động “xé rào”, “bung ra sản xuất” ấy đã tạo nên cơ sở thực tiễn vô cùng quan trọng, để sau này Trung ương có thể tổng kết, xây dựng thành lý luận đổi mới một cách bài bản”, ông Trực chia sẻ.
Theo ông, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy TPHCM từ tháng 12/1976 đến tháng 4/1982) là người đi đầu xông vào thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, tạo ra cơ chế làm kế hoạch B, C bên cạnh kế hoạch A của Nhà nước.
Sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Trung ương nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Văn Linh về làm Bí thư Thành ủy, và là người tổ chức, trình bày những bài học thực tiễn ấy lên Bộ Chính trị, từ đó góp phần làm thay đổi tư duy trong Đảng và Nhà nước. Để chuẩn bị Đại hội VI, Bộ Chính trị đã tin tưởng giao cho đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì xây dựng văn kiện.
“Tầm nhìn, bản lĩnh và tư duy đổi mới của đồng chí đã được thể hiện trọn vẹn trong đường lối Đổi mới của Đại hội VI”. Và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được Đại hội bầu làm Tổng Bí thư, dẫn dắt đất nước bước sang một trang lịch sử mới.
Thành quả của tư duy đổi mới
Với bí danh Chín Ngân, bà Nguyễn Thị Nghĩa tích cực tham gia hoạt động cách mạng và từng bị địch bắt, rồi trao trả tù binh, sau đó tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975). Trước khi làm Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Saigon Co.op, bà từng là Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM.
Nhớ lại những ngày sau giải phóng, bà Nghĩa chia sẻ, lúc đó đất nước rơi vào tình trạng thiếu thốn trầm trọng, hàng hóa vô cùng khan hiếm, nguồn cung chủ yếu đến từ thương nghiệp quốc doanh. Thành phố đã thành lập hệ thống hợp tác xã (HTX) mua bán, với mục tiêu tạo ra một kênh phân phối bổ sung, không thuộc khu vực nhà nước. HTX có lợi thế hơn quốc doanh ở chỗ có thể thu mua trực tiếp trứng gà, thịt heo, rau củ, sau đó phân phối, tiêu thụ tại khu vực, giúp ổn định nguồn cung và giá...
Đến năm 1986, khi chính sách đổi mới được khởi xướng, thương nghiệp dần được “cởi trói”. Nhà nước vẫn giữ cơ chế mua hàng từ người dân qua quốc doanh, nhưng bắt đầu cho phép một phần sản phẩm được lưu thông tự do ngoài kế hoạch. Người dân có thể bán ra thị trường, HTX cũng được mua bán linh hoạt hơn, giống như các tiểu thương ở chợ.
Năm 1989, mô hình HTX kiểu cũ đã bộc lộ không ít khó khăn do cạnh tranh thị trường. Từ con số vài trăm đơn vị, các HTX đã lâm vào tình thế khủng hoảng, buộc phải giải thể hàng loạt. Trước thực tế đó, bà Nguyễn Thị Nghĩa mạnh dạn đề xuất chuyển đổi Ban Quản lý HTX mua bán TPHCM thành Liên hiệp HTX mua bán, với hai chức năng: vừa tổ chức, hỗ trợ các HTX thành viên, vừa hoạt động kinh doanh tổng hợp như một doanh nghiệp độc lập (UBND TPHCM đã đồng ý và cấp giấy phép vào năm 1989).
Nhân lúc Việt Nam mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, bà Nghĩa nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Để tránh rào cản xuất nhập khẩu phải trả phí trung gian lên tới 2% doanh số, bà Nghĩa đề nghị UBND TPHCM và Bộ Thương mại cho phép Liên hiệp HTX xuất nhập khẩu trực tiếp. Từ đó cái tên Saigon Co.op chính thức có mặt trên thương trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa luôn nhấn mạnh, nếu không có chính sách Đổi mới của Đảng, Nhà nước vào năm 1986, trực tiếp là sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thì không thể có một Saigon Co.op như hôm nay.
“Bật đèn xanh” cho kinh tế tư nhân
Tháng 5/2025, Đảng ta ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân - một dấu mốc mới khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng nếu nhìn lại hơn 4 thập niên trước, ta có thể thấy những hạt mầm của tư duy cởi mở ấy đã từng nảy nở âm thầm từ TPHCM, trong một giai đoạn gian khó, khi đất nước vừa thống nhất và mọi nguồn lực đều khan hiếm.
Những năm đầu thập niên 80, khi quay trở lại giữ chức Bí thư Thành ủy TPHCM lần thứ hai, đồng chí Nguyễn Văn Linh không chỉ đối diện với tình trạng sản xuất đình trệ, doanh nghiệp ì ạch, mà còn đứng trước một bộ máy quản lý bị trói chặt bởi cơ chế bao cấp. Chính đồng chí đã âm thầm “bật đèn xanh” bằng cách lắng nghe thực tiễn, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, khuyến khích mô hình tổ hợp tác, xí nghiệp khoán sản phẩm…
Sự đồng thuận của người đứng đầu đã tiếp sức cho hàng ngàn cơ sở sản xuất hồi sinh. Khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề nghị nhân rộng những mô hình hiệu quả từ Xí nghiệp Thành Công, Thắng Lợi... vượt ra khỏi ranh giới thành phố. Những kết nối kinh tế với các tỉnh, xí nghiệp trung ương, thậm chí bắt đầu manh nha ý tưởng buôn bán với nước ngoài, tất cả đều được thai nghén trong một tầm nhìn “muốn sản xuất bung ra thì doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ”.
Chính trong dòng chảy ấy, Đại hội V của Đảng (tháng 3/1982) đã nhìn nhận thực tế đa thành phần kinh tế, cho phép điều chỉnh bước đi và quy mô của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Một năm sau, vào tháng 7/1983 tại Đà Lạt, đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì báo cáo thực tế những mô hình làm ăn mới của các xí nghiệp cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương, như một nỗ lực thuyết phục từ chính thực tiễn của TPHCM. Những kết quả đầu tiên đầy ấn tượng: đến năm 1984, giá trị tổng sản lượng của TPHCM đã đạt 78% so với năm 1976, một cú chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh chung còn chật vật.
Có lẽ không gì biểu tượng hơn cho tinh thần “phá rào” ngày ấy bằng chính tuyến đường mang tên Nguyễn Văn Linh - con đường mở về phía Nam TPHCM, nối liền khu Phú Mỹ Hưng với trung tâm, kết nối Khu chế xuất Tân Thuận, mở ra một chân trời mới. Con đường mang tên ông - đại lộ Nguyễn Văn Linh, hôm nay nối dài giữa lòng thành phố. Nó không chỉ rộng hơn quy chuẩn khuôn mẫu, mà còn rộng cả trong tư duy, trong tầm nhìn về một đô thị năng động, sáng tạo. Đó là con đường vượt qua những nỗi sợ cũ kỹ để mở lối cho một tương lai rộng mở, đúng như di sản mà cố Tổng Bí thư để lại: Dám nghĩ, dám làm, và dám mở đường cho cái mới.