Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị giám sát, theo dõi việc vận hành thử nghiệm chính quyền cấp xã tại UBND phường Bình Thới. (Ảnh: SGGP)Sáng 12/6, TPHCM bắt đầu vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn TPHCM.
Trước đó, Thành ủy TPHCM đã thành lập 10 tổ công tác, phân công Thường trực Thành ủy, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp giám sát, theo dõi, chỉ đạo vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương cấp xã (sau khi thành lập mới) trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM làm tổ trưởng tổ 1, dự buổi vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương cấp xã tại trụ sở UBND phường Bình Thới sau khi thành lập mới (địa chỉ số 270, đường Bình Thới, phường 10, quận 11).
Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị giám sát, theo dõi việc vận hành thử nghiệm chính quyền cấp xã tại UBND phường Bình Thới. (Ảnh: SGGP)Ghi nhận tại trụ sở UBND phường Bình Thới, từ hơn 7 giờ sáng, cán bộ, công chức các bộ phận đã có mặt đầy đủ để chuẩn bị vận hành thử nghiệm. Chị Mai Bích Phượng, bộ phận Kinh tế hạ tầng đô thị cho biết, đã sẵn sàng chuẩn bị triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Chị cùng cán bộ đã được thành phố, sở, ngành triển khai các ứng dụng, tập huấn quy trình để vận hành để đến ngày 1/7 không ảnh hưởng.
Ngày 11/6, chị Phượng cũng theo dõi vận hành thử nghiệm tại quận Tân Bình. Dù cảm xúc khá hồi hộp nhưng chị Phượng sẵn sàng, tin tưởng mình sẽ làm tốt nhiệm vụ khi vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền cấp xã mà thành phố triển khai.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Bình Thới. (Ảnh: SGGP)Ông Nguyễn Trung Hiếu, nhân viên ngân hàng đến nộp hồ sơ giao dịch đảm bảo, chia sẻ, biết hôm nay vận hành bộ máy mới, ông cũng băn khoăn sợ có vướng mắc gì trong quá trình vận hành thử, nhưng vì việc cần kíp nên ông vẫn có mặt sớm tại trụ sở UBND phường Bình Thới để nộp hồ sơ. Chỉ 5 phút làm việc với công chức phường, hồ sơ của ông đã được tiếp nhận thành công. “Tôi rất vui vì giao dịch diễn ra thuận lợi, không ảnh hưởng gì đến công việc của người dân, doanh nghiệp", ông Hiếu nói.
Chủ tịch UBND quận 11 Nguyễn Trần Bình cho biết, hệ thống máy móc của các phường trên địa bàn quận đã được chuẩn bị chu đáo. Trung tâm hành chính công mỗi phường được bố trí 12-16 công chức.
Do số lượng công chức Trung tâm hành chính công các phường khá đông nên quận đã tiến hành nâng cấp đường truyền, đảm bảo vận hành thông suốt.
Thời gian qua, quận đã đầu tư cho trụ sở các phường mới, dù khuôn viên, diện tích không lớn nhưng đầy đủ trang thiết bị; quận cũng gia cố thêm hệ thống lấy số thứ tự, thiết bị quét mã chíp căn cước công dân tại trụ sở các phường.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Bình Thới. (Ảnh: SGGP)Đặc biệt, quận 11 cũng chủ động rà soát các việc cần làm ngay để thông suốt về mặt quy trình từ 1/7.
Khảo sát tại đây, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao sự chuẩn bị của quận 11 về cơ sở vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức; đồng thời yêu cầu quận 11 quan tâm trang bị, chỉnh trang cơ sở vật chất tại các phường còn lại trên địa bàn để đảm bảo các phường đều sẵn sàng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất.
“Tất cả phải đảm bảo điều kiện như nhau, mục tiêu cao nhất là giải quyết thuận lợi nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ nào trước đây của phường thì tiếp tục triển khai, nhiệm vụ của quận chuyển về thì rà soát để đảm đương tốt nhất nhiệm vụ”, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu.